ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NGHỆ AN

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ SỐ 1 NGHỆ AN

Địa chỉ: Số nhà 44, đường Ngư Hải, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Chi nhánh tại T.P. Hồ Chí Minh: số 10 Lê Bình, P4, Q.Tân Bình, TP.HCM

Điện thoại: 0238 386 3939 - 091 234 1585

Logo
Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử vụ án dân sự
News Post10:57 18/12/2017
Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử vụ án dân sự

Với mục tiêu thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp cũng như nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, bảo đảm tranh tụng trong xét xử được xem là một trong những chủ trương lớn và được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận đây là một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.

          Trước đây, nguyên tắc này chưa được cụ thể hóa trong các văn bản luật. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về bảo đảm quyền tranh luận tố tụng dân sự tại Điều 23a như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Như vậy, với quy định này, bảo đảm tranh luận trong xét xử chỉ được hiểu là việc “tranh luận” tại phiên tòa và chỉ mang tính thực chất trong những vụ án có Luật sư tham gia hoặc trong những vụ án mà đương sự có trình độ hiểu biết pháp luật nhất định.
         Có thể thấy, pháp luật chưa quy định cụ thể nội hàm của “tranh tụng” cũng như chưa làm rõ quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tranh tụng, phạm vi tranh tụng, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia phiên tòa, đặc biệt là của Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, đương sự trong việc bảo đảm quyền tranh tụng, thu thập, cung cấp và tiếp cận chứng cứ,…
Xuất phát từ thực tiễn trên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” tại Điều 24, Bộ luật quy định cụ thể nguyên tắc này như sau:
        - Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.
       - Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.
      - Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.
      Thẩm phán phải tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật này.
      Tại các điều luật khác có quy định bổ sung về nguyên tắc này, trong đó tại quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự có quy định đương sự có các quyền:
      - Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
      - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình;
      - Đề nghị xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được, đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó;
     - Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
     - Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.
     Như vậy, nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” giúp xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; xác định quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, đặc biệt là quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng chi phối quá trình xét xử vụ án dân sự./.  

Nguồn tin: VPLSS1NA


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ SỐ 1 NGHỆ AN

Địa chỉ: Số nhà 44, đường Ngư Hải, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Chi nhánh tại T.P. Hồ Chí Minh: số 10 Lê Bình, P4, Q.Tân Bình, TP.HCM

Điện thoại: 0238 386 3939 - 091 234 1585

Email: luatsuso1nghean@gmail.com; anthanhvinh@gmail.com

Trưởng văn phòng: Luật sư Nguyễn Quang Hảo

top

Online: 1

Lượt truy cập: 379964