ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NGHỆ AN

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ SỐ 1 NGHỆ AN

Địa chỉ: Số nhà 44, đường Ngư Hải, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Chi nhánh tại T.P. Hồ Chí Minh: số 10 Lê Bình, P4, Q.Tân Bình, TP.HCM

Điện thoại: 0238 386 3939 - 091 234 1585

Logo
Một số vấn đề về đấu giá tài sản. Những điểm nổi bật trong Luật đấu giá tài sản 2016 so với quy định tại Nghị định 170/2010/NĐ-CP.
News Post10:32 25/12/2017
Một số vấn đề về đấu giá tài sản. Những điểm nổi bật trong Luật đấu giá tài sản 2016 so với quy định tại Nghị định 170/2010/NĐ-CP.

Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai để cho nhiều người có thể được tham gia trả giá mua một tài sản. Những người tham gia mua tài sản bán đấu giá phải nộp một khoản lệ phí theo pháp luật qui định. Khoản tiền này nhằm ràng buộc người đã đăng kí phải tham gia mua tài sản đấu giá. Nếu người đã đăng kí mà không tham gia đấu giá hoặc không mua tài sản thì số tiền này không được lấy lại. Nếu họ có tham gia đấu giá nhưng không mua được thì được nhận lại số tiền mà mình đã đóng. Khi tham gia đấu giá tài sản, người nào trả giá cao nhất nhưng không thấp hơn giá khởi điểm thì người đó được mua tài sản. Nếu trong cuộc bán đấu giá mà không ai trả giá cao hơn giá khời điểm thì cuộc bán đấu giá xem như không thành và sẽ được tổ chức lại.

Thông qua hình thức bán đấu giá tài sản, quyền lợi của người có tài sản được thỏa mãn một cách tốt nhất, còn người mua sẽ mua được tài sản với giá cả phù hợp, các quyền lợi của người mua liên quan đến tài sản đã mua được đáp ứng một cách nhanh chóng.

Đấu giá tài sản vừa mang bản chất kinh tế và bản chất pháp lý. Dưới góc độ kinh tế, đấu giá là một phương thức bán hàng đặc biệt, chịu sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường. Đấu giá xác định giá trị của hàng hóa chưa biết giá hoặc giá thị trường thay đổi. Dưới góc độ pháp lý, đấu giá được hiểu là một quan hệ dân sự và thương mại, bao gồm các yếu tố cấu thành như chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ đấu giá. Hoạt động bán đấu giá tài sản có những đặc điểm sau:

– Bán đấu giá tài sản là hình thức bán công khai theo nguyên tắc và thủ tục luật định;

– Có từ hai chủ thể tham gia đấu giá

– Phương thức bán đấu giá là phương thức trả giá lên

– Người được mua tài sản là người trả giá cao nhất

Các loại tài sản bán đấu giá được chia thành hai loại: tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức được bán theo hình thức tự nguyện và tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật ngoại trừ việc đấu giá chứng khoán và tài sản nhà nước ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật điều chỉnh đối với loại tài sản đó. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức là những tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. Tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu gia bao gồm tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch có bảo đảm; tài sản nhà nước phải bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước… Việc đấu giá chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán xuất phát từ lý do là việc đấu giá chứng khoán được thực hiện theo trình tự, thủ tục với số lượng người tham gia có thể lên đến hàng nghìn người, hàng triệu chứng khoán có thể được giao dịch cùng lúc, việc đấu giá phải có tổ chức bảo lãnh phát hành, đồng thời, việc niêm yết chứng khoán được tiến hành theo cách thức khác biệt hoàn toàn so với niêm yết tài sản thông thường như phải có bản cáo bạch, công bố thông tin… Bên cạnh đó, việc đấu giá chứng khoán hoàn toàn được thực hiện trên sàn giao dịch điện tử hiện đại, thực hiện phiên khớp lệnh liên tục, đòi hỏi yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao mà điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị của các doanh nghiệp đấu giá hiện nay không thể đáp ứng được; việc bán đấu giá chứng khoán không phải do đấu giá viên điều hành.

* Chủ thể đấu giá

Người bán đấu giá tài sản là doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Người yêu cầu bán đấu giá có thể là chủ sở hữu của tài sản bán đấu giá, có thể là bên nhận bảo đảm tài sản đấu giá, có thể là cơ quan thi hành án.

Người tham gia đấu giá là người được quyền tham gia trả giá khi cuộc bán đấu giá tài sản được tiến hành, bao gồm những người đã đăng ký đấu giá, nộp lệ phí tham gia đấu giá và có tên trong danh sách đấu giá.

Người mua tài sản đấu giá là người trả giá cao nhất trong số những người tham gia đấu giá với điều kiện giá mua tài sản mà họ đã trả bằng hoặc cao hơn giá khởi điểm.

* Trình tự đấu giá

Bán đấu giá phải tuân thủ các trình tự theo pháp luật quy định như sau:

– Thông báo thông tin

Tổ chức, cơ quan bán đấu giá phải thông báo công khai tại nơi bán đấu giá và trên phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, địa điểm, số lượng, chất lượng và danh mục tài sản bán đấu giá chậm nhất là 07 ngày đối với động sản và 30 ngày đối với bất động sản trước ngày bán đấu giá. Chủ sở hữu và những người có liên quan đến tài sản đấu giá phải được thông báo về việc bán đấu giá để tham gia định giá khởi điểm, trừ trường hợp có quy định khác.

– Công bố giá khởi điểm

Khi bán đấu giá, người bán đấu giá phải công bố giá khởi điểm

– Địa điểm thực hiện bán đấu giá

Nếu tài sản bán đấu giá là bất động sản thì việc bán đấu giá được thực hiện tại địa phương nơi có bất động sản hoặc một nơi khác do tổ chức, cơ quan bán đấu giá xác định.

– Tiền đặt trước.

Người muốn mua tài sản qua bán đấu giá bất động sản phải đăng ký mua và phải nộp khoản tiền đặt trước theo quy định của tổ chức bán đấu giá. Nếu người mua mua được tài sản bán đấu giá, thì khoản tiền đặt trước trừ vào giá mua. Khi người mua từ chối mua thì không được nhận lại số tiền đã đặt trước.

Luật Đấu giá quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước, thể hiện qua một số nội dung chính như sau:

– Việc niêm yết các thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch tới các đối tượng có nhu cầu mua tài sản đấu giá; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, thuận lợi và tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện nào đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài các điều kiện đã được pháp luật quy định; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản, nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá; thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, thuận lợi nhằm tránh tình trạng tổ chức đấu giá cản trở hoặc hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá; khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn.

– Quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; bổ sung phương thức đặt giá xuống theo thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam cũng như xu thế hội nhập quốc tế.

– Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá, theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá; tại cuộc đấu giá, đấu giá viên có quyền truất quyền tham dự cuộc đấu giá đối với người vi phạm quy chế cuộc đấu giá.

– Quy định thống nhất tên gọi là thù lao dịch vụ đấu giá và thù lao dịch vụ đấu giá được tính theo cơ chế giá dịch vụ thị trường do các bên thỏa thuận.

– Quy định các trường hợp hủy kết quả đấu giá đảm bảo chặt chẽ, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản và quy định của pháp luật về dân sự. Cụ thể, Luật Đấu giá tài sản bỏ trường hợp kết quả đấu giá bị hủy theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.

* Thủ tục

Hợp đồng mua bán tài sản theo thủ tục bán đấu giá tài sản phải được xác lập bằng văn bản giữa người bán đấu giá và người mua đấu giá.

Việc mua bán bất động sản bằng hình thức đấu giá cũng phải được lập thành văn bản có công chứng và phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc ban hành Luật Đấu giá tài sản sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay.

Nguồn tin: VPLSS1NA


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ SỐ 1 NGHỆ AN

Địa chỉ: Số nhà 44, đường Ngư Hải, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Chi nhánh tại T.P. Hồ Chí Minh: số 10 Lê Bình, P4, Q.Tân Bình, TP.HCM

Điện thoại: 0238 386 3939 - 091 234 1585

Email: luatsuso1nghean@gmail.com; anthanhvinh@gmail.com

Trưởng văn phòng: Luật sư Nguyễn Quang Hảo

top

Online: 7

Lượt truy cập: 379835