ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NGHỆ AN

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ SỐ 1 NGHỆ AN

Địa chỉ: Số nhà 44, đường Ngư Hải, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Chi nhánh tại T.P. Hồ Chí Minh: số 10 Lê Bình, P4, Q.Tân Bình, TP.HCM

Điện thoại: 0238 386 3939 - 091 234 1585

Logo
Phân biệt một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác quy định trong Bộ luật Hình sự 2015
News Post13:50 12/03/2021
Phân biệt một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác quy định trong Bộ luật Hình sự 2015

Bộ luật Hình sự quy định các tội danh khác nhau là căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội; căn cứ vào quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (khách thể của tội phạm); căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi của mình (lỗi); căn cứ vào nhân thân người phạm tội, trong một số trường hợp căn cứ vào giới tính, độ tuổi của người phạm tội và bị hại…

Về lý luận, muốn phân biệt tội này với tội khác thì không chỉ có trình độ pháp lý, hiểu biết thành thạo các yếu tố cấu thành tội phạm (bốn yếu tố), mà còn phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp và kinh nghiệm thực tiễn.

 1.Phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích

a) Phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích trong trường hợp nạn nhân bị chết

Hai tội này, người phạm tội đều thực hiện hành vi là do cố ý; đều thực hiện hành vi khách quan tương tự như nhau (bắn, đâm, chém, đánh, đấm, đá…) và nạn nhân đều bị chết.

Tuy nhiên, đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, người phạm tội chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, không mong muốn cho nạn nhân bị chết, cũng không bỏ mặc cho nạn nhân chết; nạn nhân bị chết là ngoài ý muốn của người phạm tội.

Đối với tội giết người, thì người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu không phải là do cố ý trực tiếp (cố ý có dự mưu, cố ý xác định) thì cũng là cố ý gián tiếp (cố ý đột xuất, hoặc cố ý không xác định), tức là không cần quan tâm đến hậu quả, muốn ra sao thì ra, bỏ mặc cho nạn nhân chết cũng được, không chết cũng mặc.

Hành vi tấn công của người phạm tội đối với tội giết người bao giờ cũng quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những nơi xung yếu của cơ thể như: vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng… Còn đối với tội cố ý gây thương tích người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết liệt, mà nếu có quyết liệt thì cũng chỉ tấn công vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như: chân, tay, mông, nếu có tấn công vào nơi xung yếu của cơ thể của nạn nhân thì cũng chỉ tấn công vào nơi đã định như mắt, mũi, tai, miệng.

Thực tiễn, nhiều trường hợp người phạm tội chỉ khai không muốn làm nạn nhân chết. Do đó phải kết hợp với ý thức chủ quan của họ để xác định là giết người hay cố ý gây thương tích, đồng thời phải căn cứ vào biên bản giám định pháp y về cơ chế hình thành vết thương, đặc biệt là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân.

Thực tế hiện nay việc phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích trong trường hợp nạn nhân chết chủ yếu đối với những vụ đánh nhau giữa hai người hoặc một số người dẫn đến có người chết. Trước đây, cũng có quan điểm cho rằng, nếu đánh nhau nhưng nạn nhân không chết ngay, mà phải 4 đến 5 ngày sau mới chết hoặc vài tháng sau nạn nhân mới chết thì đó là cố ý gây thương tích. Quan điểm này không chính xác, vì trên thực tế nhiều trường hợp nạn nhân không chết ngay nhưng do người phạm tội có ý định tước đoạt tính mạng của nạn nhân nên đã đánh vào chỗ hiểm, một thời gian sau nạn nhân mới chết.

Vì vậy, để phân biệt tội giết người hay chỉ cố ý gây thương tích thì phải tổng hợp tất cả các dấu hiệu của vụ án, mà xác định ý thức chủ quan của người phạm tội.

Ví dụ 1 : Viện kiểm sát nhân dân Tp Hồ Chí Minh truy tố Nguyễn Anh T về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự (phạm tội có tính chất côn đồ) nhưng Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh chuyển tội danh đối với T sang tội cố ý gây thương tích và phạt T 5 năm tù. Việc Tòa án chuyển tội danh từ giết người sang cố ý gây thương tích đối với T là không đúng. Bởi lẽ, T đã có hành vi “dùng cây đánh nhiều cái vào đầu ông L”. Khi dùng cây đánh nhiều cái vào đầu (nơi xung yếu của cơ thể), T phải nhận thức được rằng có thể gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, muốn ra sao thì ra (cố ý gián tiếp).

Thực tế nạn nhân đã bị chết là do chấn thương sọ não. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết cho nạn nhân nên T phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông L. Các nguyên nhân khác như sặc nước, có sử dụng rượu theo giám định chỉ là thứ yếu, không quyết định cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, hành vi của T không phải là phạm tội có tính chất côn đồ. Bởi lẽ phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có hành vi ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự can ngăn của người khác, chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt cũng cố tình gây sự để phạm tội hoặc vô cớ phạm tội. Ở đây, việc T đuổi đánh ông L không phải là vô cớ mà vì ông L đã gây sự, đập phá chòi, đẩy ngã xe của T, chửi mắng, hăm dọa, thách thức T, dùng cây đánh T... Vì vậy, hành vi của T thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự.

Ví dụ 2: Chu Ngọc L là cán bộ công an phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm đi xe máy đến trụ sở công an phường Đức Thắng gặp thượng úy Nguyễn Xuân B là cán bộ công an phường Đức Thắng quận Bắc Từ Liêm. Đến nơi, thấy B đang ngồi ăn ở chiếc ghế cạnh bàn uống nước giữa phòng ngủ, L tiến về phía B, đứng trước bàn uống nước cách B 1m nói: “Đưa tiền để em đưa nó, hơn 5g nó gọi em rồi”. Thấy vậy, B phẩy tay nói “Đi ra”. L tiếp tục nói “Đưa tiền cho em không”? B vẫn nói “Đi ra”. Ngay lập tức, L dùng chân phải đang đi giầy đá mạnh vào cổ bên trái khiến B ngửa cổ ra sau tựa vào ghế. Thấy xảy ra va chạm, một số cán bộ công an phường Đức Thắng chạy đến can ngăn. Lúc này, mặt anh B đã tím tái, người lịm đi, gọi không phản ứng nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nam Thăng Long và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Đến 20g30p cùng ngày, Nguyễn Xuân B tử vong.

Tại Bản kết luận pháp y của Viện Pháp y quốc gia xác định, “nguyên nhân chết của B là do chảy máu não, phù não tụt hạnh nhân tiểu não do chấn thương sọ não kín. Cơ chế hình thành thương tích: Thương tích vùng đầu do vật tày tác động gây ra…”.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chu Ngọc L về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng truy tố Chu Ngọc L về tội “Cố ý gây thương tích”.

 Tòa án nhân dân Tp Hà Nội trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo L. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân Tp Hà Nội vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố bị cáo Chu Ngọc L về tội “Cố ý gây thương tích”.

Tòa án nhân dân Tp Hà Nội mở phiên tòa nhưng lại một lần nữa quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra bổ sung.

Với các tình tiết của vụ án như trên thì rõ ràng hành vi của L là hành vi phạm tội giết người, mặc dù có thể L không mong muốn cho nạn nhân chết, nhưng chỉ vì nóng giận mà đá vào vùng xung yếu của cơ thể nạn nhân, buộc L phải nhận thức được rằng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân nhưng L vẫn hành động với ý thức bỏ mặc, muốn ra sao thì ra.

b) Phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích trong trường hợp nạn nhân không bị chết

Hai tội này, người phạm tội đều thực hiện hành vi là do cố ý; đều thực hiện hành vi (hành động) tương tự như nhau (bắn, đâm, chém, đánh, đấm, đá…); nhưng nạn nhân đều không bị chết.

Dấu hiệu để phân biệt giữa hai tội này chủ yếu căn cứ vào mục đích của người phạm tội. Đối với tội giết người, người phạm tội thực hiện hành vi của mình dứt khoát phải mong muốn cho nạn nhân chết, còn nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của người phạm tội, còn đối với tội cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ có ý định gây thương tích cho nạn nhân chứ không mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.

Ví dụ: Ở quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh, trên đường đi tìm đối thủ trả thù, P, D, Đ và H đã xông vào đánh hai người đi xe máy trên đường theo kiểu đánh “hội đồng” làm một người bị chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật 46% vĩnh viễn, trong đó Đ là người dùng cây đánh vào đầu nạn nhân. Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh truy tố các bị cáo về tội cố ý gây thương tích, nhưng Tòa án nhân dân quận cho rằng, việc Đ dùng cây đánh thẳng vào đầu anh L là giết người chứ không phải cố ý gây thương tích nên quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để truy tố Đ về tội giết người. Tuy nhiên, sau đó Viện kiểm sát vẫn truy tố Đ về tội cố ý gây thương tích và Tòa án nhân dân quận đã kết án Đ về tội cố ý gây thương tích.

Trong trường hợp này, tuy Đ có hành vi dùng gậy đánh vào đầu nạn nhân nhưng việc đánh này là không xác định với ý thức muốn ra sao thì ra, nạn nhân không bị chết nên cũng chỉ coi hành vi của Đ là hành vi cố ý gây thương tích. Vì về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, nếu không mong muốn cho nạn nhân chết, thì hậu quả đến đâu xử đến đó.

Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Bộ luật Hình sự đã căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân là dấu hiệu định tội, nên đối với tội phạm này chỉ có giai đoạn tội phạm đã hoàn thành, chứ không có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội giết người chưa đạt với tội cố ý gây thương tích.

 Trường hợp Công an “bắt nóng” một số băng nhóm sử dụng hung khí nguy hiểm như: mã tấu, sung hơi, súng quân dụng, côn gỗ, dùi cui điện… chuẩn bị đi đánh nhau. Nếu không chứng minh được họ phạm tội giết người thì cũng không thể truy cứu họ về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được.

Để phân biệt giữa hai tội này, còn phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người phạm tội thực hiện.

 Đối với tội giết người, hành vi tấn công thường quyết liệt hơn, cường độ tấn công rất mạnh hơn, chủ yếu nhằm vào những nơi xung yếu của cơ thể nạn nhân như: vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng… nhưng vì khách quan nên người phạm tội không thực hiện được hành vi của mình hoặc bị cản trở nên không thực hiện được việc tước đoạt  tính mạng của nạn nhân. Ví dụ: A dùng mã tấu chém vào đầu nạn nhân nhưng vì nạn nhân giơ tay lên đỡ nên chỉ bị thương vào bàn tay. Còn đối với tội cố ý gây thương tích hành vi tấn công nạn nhân ít quyết liệt hơn, nếu có quyết liệt thì cũng chỉ nhằm vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như: chân, tay, mông, đùi… nếu có tấn công vào nơi xung yếu của cơ thể của nạn nhân thì cũng chỉ tấn công vào nơi đã định (mắt, mũi, tai, miệng…) như: đâm vào mắt cho nạn nhân bị mù, cắt tai, chặt tay, chặt chân của nạn nhân.

Việc phân biệt hành vi giết người hay cố ý gây thương tích trong nhiều trường hợp rất phức tạp, nếu không nói là rất khó. Vì nạn nhân không bị chết nên không bao giờ người phạm tội thừa nhận rằng mình có ý định tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Thực tế cũng mỗi nơi áp dụng một kiểu, ngay trong một cơ quan tiến hành tố tụng thì người này có quan điểm giết người, còn người khác thì nói chỉ cố ý gây thương tích.

2. Phân biệt tội làm chết người trong khi thi hành công vụ với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp hậu quả làm chết người

Giữa hai tội này có một dấu hiệu chung là đều làm chết người, người phạm tội đều là người có chức vụ, quyền hạn và đều thực hiện hành vi trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, người phạm tội có thể thực hiện hành vi do cố ý hoặc vô ý, còn tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (chết người), thì người phạm tội thực hiện tội phạm chỉ do vô ý.

Đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, thì bị hại (nạn nhân) bao giờ cũng là đối tượng tác động của tội phạm, tức là người phạm tội trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, còn đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả chết người (hậu quả nghiêm trọng), thì nạn nhân bị chết hoàn toàn không phải là đối tượng tác động của người phạm tội. Tuy nhiên, trong một vụ án làm chết người trong khi thi hành công vụ có đồng phạm, thì có thể có người không có hành vi tác động trực tiếp đến thân thể của bị hại, mà chỉ có người thực hành có hành vi này.

Ví dụ: A, B, C, D là dân phòng do A làm Tổ trưởng đi tuần tra trong khu dân cư. Khi phát hiện có hai thanh niên khả nghi là T và H tưởng là kẻ gian nên yêu cầu T và H cho xem giấy tờ tùy thân nhưng T và H không chấp hành còn có lời lẽ xúc phạm tổ dân phòng, nên xảy ra xung đột. A đã ra lệnh cho B,C,D trói T và H lại rồi đưa về trụ sở Công an xã. Trên đường về, T và H tự cới trói bỏ chạy thì bị C và D dùng dùi cui đánh nhiều cái vào đầu làm T bị trọng thương. Tổ dân phòng thấy vậy đã đưa T vào trạm xá cấp cứu nhưng vì bị đánh vào chỗ hiểm nên T đã chết.

 

Nguồn tin: TCTA


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ SỐ 1 NGHỆ AN

Địa chỉ: Số nhà 44, đường Ngư Hải, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Chi nhánh tại T.P. Hồ Chí Minh: số 10 Lê Bình, P4, Q.Tân Bình, TP.HCM

Điện thoại: 0238 386 3939 - 091 234 1585

Email: luatsuso1nghean@gmail.com; anthanhvinh@gmail.com

Trưởng văn phòng: Luật sư Nguyễn Quang Hảo

top

Online: 1

Lượt truy cập: 379192